Thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang là ngành được nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rào cản thị trường khiến người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự bị hấp dẫn với phương thức mua hàng trực tuyến. Vì sao vậy?

Chúng tôi xin trích đăng bài viết của ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối thương mại điện tử Zamba - VCCorp. Bài viết sau đây đưa ra những vấn đề còn tồn tại và một số gợi ý về cách khắc phục những trở ngại đối với các doanh nghiệp TMĐT ở Việt Nam.


Hồi đầu tháng 12/2014, tôi có dự một cuộc toạ đàm với IFC (International Finance Corporation – thuộc World Bank) về các vấn đề xoay quanh thị trường TMĐT ở Việt Nam, tham dự có các "ông lớn" trong ngành như Cục TMĐT Bộ Công thương, Zamba (VCCorp), Peacesoft, IDG Ventures, Onepay, Smartlink, Giaohangnhanh.vn,… IFC có thực hiện một cuộc khảo sát thực tế với các đối tượng là người mua và bán hàng online, các đơn vị giao nhận và thanh toán thì thấy nổi cộm lên 4 vấn đề lớn, đó là: Vấn đề thanh toán online, Giao hàng, Giá bán và Lòng tin.

Nếu như cách đây 5 năm, ai cũng nhắc đến chuyện do hạ tầng thanh toán online tại Việt Nam chưa tốt, người dùng chưa có phương tiện để thanh toán online nên TMĐT khó phát triển. Thế nhưng thực tế không phải vậy.

Tại Việt Nam hiện nay có hơn 10 đơn vị cổng thanh toán lớn nhỏ, sẵn sàng cho việc thanh toán online, đó là chưa kể lượng thẻ ATM và Visa/Master đang tăng trưởng khá nhanh. Nói cho cùng, chẳng cần thanh toán online, TMĐT vẫn phát triển tốt vì hầu hết các đơn vị bán hàng đều chấp nhận phương án COD (Cash On Delivery), nghĩa là nhận hàng rồi mới thanh toán mà không thu thêm bất kỳ khoản phí nào.

Tương tự như vậy với vấn đề giao hàng, cứ cho là việc giao hàng đi các vùng ngoại thành và ngoại tỉnh khó khăn đi, nhưng thực chất sức mua ở các vùng đó chưa lớn, lượng người mua hàng vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM. Và tại những nơi này, lượng nhân lực sẵn sàng cho việc giao hàng rất lớn, từ các công ty giao hàng như Giaohangnhanh, VNPTPost, ViettelPost, Tinthanh, VNExpress,… đến các đội ngũ tự tổ chức, tự thuê như xe ôm, nhân viên chuyên trách giao nhận luôn sẵn sàng giao hàng đi nhanh nhất có thể.

Vấn đề mà tôi thường nghe nhiều người nhắc đến nhất đó là vấn đề lòng tin (hay niềm tin). Nhưng khi được hỏi lòng tin của họ là gì thì chỉ nhận được các câu trả lời rất chung chung như: không tin vào người bán hàng, không tin vào chất lượng sản phẩm, sợ hình ảnh trên site một đằng, đến khi nhận lại một kiểu khác không đúng như kỳ vọng,… Công nhận rằng vấn đề này là có, nhưng không phải tất cả. Các thương hiệu và người bán hàng có uy tín sẵn sàng bảo hành cho sản phẩm bán ra, thậm chí chấp nhận đổi trả miễn phí nếu khách hàng không hài lòng. Vậy nhưng, khách vẫn cứ nói là không tin, không thích và hoài nghi.

Với tôi, tôi cho rằng chỉ là do thói quen mua hàng của người dùng Việt Nam chưa quen với việc mua online (nhưng rồi sẽ được cải thiện sớm). Vậy nổi cộm nhất vẫn là vấn đề GIÁ khiến cho TMĐT Việt Nam chưa thể phát triển nhanh được.

Ta có thể thấy, chẳng có lý do gì khách hàng phải mua online khi mà giá trên website bằng hoặc cao hơn giá của một cửa hàng đầu phố. Như vậy họ ra mua luôn ở cửa hàng đầu phố cho nhanh, ưng thì lấy luôn, không thì thôi. Có vấn đề gì có thể ra "bắt đền" cửa hàng đó luôn.

Sở dĩ tôi nói vấn đề GIÁ là vấn đề lớn nhất là bởi trước khi mở Muachung.vn, ai cũng bảo do thanh toán chưa thuận tiện, do lòng tin chưa tốt, do giao hàng chưa ổn,… thế nhưng làn sóng website hàng giảm giá đã bùng nổ trong giai đoạn 2011-2012. Bởi lẽ giá rẻ là yếu tố then chốt khiến cho khách hàng sẵn sàng quên hết mọi khó khăn, rủi ro khác để mua hàng.

Nếu chưa chưa có hạ tầng thanh toán tốt thì tôi tự làm cái cổng thanh toán Sohapay.com hoặc cho COD. Nếu giao nhận chưa ổn thì tôi tự tổ chức đội ngũ giao hàng riêng và tìm cách tối ưu nó. Và chỉ cần dịch vụ tạm ổn nhưng giá rẻ thôi là khách hàng sẵn sàng gạt bỏ cái "lòng tin" để dùng thử, dùng vài ba lần thấy không kinh khủng như mình tưởng tượng, dần dần quen dần, thậm chí nghiện mua online.

Hay như tôi vẫn thấy các website bán hàng online có các đợt chạy giờ vàng, giảm giá 1 chiếc iPhone đến 2 triệu đồng so với giá hãng, nhưng yêu cầu khách hàng phải thanh toán online, các bạn trong văn phòng tôi nhốn nháo mượn nhau thẻ tín dụng để săn mua bằng được.

Giá bán online tại Việt Nam chưa hạ thấp được là do chưa tối ưu được khâu vận hành, chưa có các dịch vụ phụ trợ với giá phải chăng và các sản phẩm bán online đang nhắm đến là các sản phẩm giá rẻ, do vậy margin thường tương đối thấp nên không thể giảm thêm do không đủ chi phí vận hành.

Vậy thực chất TMĐT tại Việt Nam hiện nay là gì? Xin thưa, đó là việc dùng các công cụ điện tử như internet, smartphone để cải tiến các quy trình và hành vi trong thương mại truyền thống, từ đó nhằm mang lại tiện ích hơn cho người tiêu dùng, mở rộng phạm vi bán hàng, giảm bớt chi phí và gia tăng lợi nhuận. Qua đó, giá thành sản phẩm và dịch vụ phải được giảm xuống, đủ sức cạnh tranh với thương mại truyền thống thì TMĐT Việt Nam mới phát triển được.