Trước khi Trung Quốc trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, tại đây đã có sự chồng chéo giữa những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành thương mại điện tử gồm Alibaba Group, công ty mạng xã hội Tencent Holdings và nhà cung cấp công cụ tìm kiếm Baidu.
Hiện tại, ngày càng có nhiều người Trung Quốc sử dụng điện thoại hơn để mua sắm mọi thứ. Chính vì vậy, 3 công ty kể trên đều đang tăng cường việc thay đổi thứ bậc dẫn đầu và đầu tư vào cùng những dịch vụ để thu hút cùng một đối tượng khách hàng.
“Bản chất của cuộc chiến này là nhằm thu hút được nhiều người dùng nhất và trở thành công ty phổ biến nhất”, Duncan Clark – giám đốc quản lý của công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh là BDA nói.
Ví dụ điển hình là cuộc đua trong lĩnh vực ứng dụng gọi taxi. Chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, ứng dụng gọi taxi Didi Dache (đơn vị được sự ủng hộ của Tencent) và hãng Kuaidi Dache (do Alibaba đầu tư) đã cùng huy động được hơn nửa tỷ USD. Trong khi đó nhiều nguồn tin tiết lộ Baidu đang “để mắt” tới ứng dụng đang làm khuynh đảo thế giới Uber.
Lĩnh vực tiếp theo là dịch vụ mua chung. Thực tế đây là hình thức những khách hàng đồng ý mua một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó tại cùng một thời điểm sẽ nhận được phiếu giảm giá. Baidu đã mua Nuomi vào năm ngoái còn Meituan (đơn vị được Alibaba hậu thuẫn) đã tuyên bố vào thứ 2 rằng họ gọi thêm vốn được 700 triệu USD và nâng giá trị công ty lên 7 tỷ USD.
Một nguồn tin thân cận cho biết, trang mua chung Dianping cũng đang lên kế hoạch tăng cùng một lượng tiền như vậy. Người phát ngôn của Dianping từ chối bình luận về việc gây quỹ này.
Theo Ben Thompson – một chiến lược gia đến từ công ty có trụ sở tại Đài Loan thì: “Sự đầu tư ồ ạt như hiện tại cho thấy một thực tế rằng các nền tảng có nhiều người dùng nhất sẽ mạnh hơn nền tảng có doanh thu cao nhất”.
“Alibaba, Tencent và Baidu đều không muốn bị bỏ lỡ cơ hội ‘ngon ăn’ hay kết thúc cuộc chiến với vị trí thứ 2 – điều này thực tế rất tồi tệ. Chính vì vậy họ càng chi mạnh hơn cho đầu tư”, ông nói thêm.
Khi được hỏi về các khoản đầu tư, người phát ngôn của Alibaba nói rằng chiến lược của họ là tập trung vào việc tăng lượng người dùng và mở rộng danh mục các sản phẩm và dịch vụ. Trong khi đó, cả Tencent và Baidu đều từ chối đưa ra bình luận với câu hỏi tương tự.
Nhà sáng lập Alibaba là Jack Ma và chủ tịch Tencent là Pony Ma nổi tiếng từng cạnh tranh quyết liệt trong nhiều lĩnh vực từ trò chơi đến blog. Về mặt cạnh tranh, tất cả các công ty trực tuyến đang “ngó nghiêng” lẫn nhau để đảm bảo rằng họ không bị bỏ lỡ một miếng mồi béo bở nào.
“Họ có hàng trăm người chuyên lùng sục những công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ”, Gary Rieschel – quản lý tại công ty đầu tư Qiming Venture Partners nói.
Tiền đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc đang được dành để xây dựng số lượng người dùng thông qua các hoạt động quảng bá và khuyến mại. Trong quý đầu tiên năm 2014, Tencent nói rằng chi phí marketing của hãng đã tăng 93% lên mức 1,9 tỷ yuan (tương đương 306 triệu USD) và một phần lớn là dành cho ứng dụng taxi Didi Dache.
Dù vậy, đầu tư vào một dịch vụ lớn không đảm bảo cho sự thành công. Câu hỏi đặt ra là: “Giới hạn nào cho những việc này. Không phải ai cũng có thể dành chiến thắng”, Clark nói.