Giá vàng
Mua Bán
Vàng SJC 1L - 10L 56,200 56,700
Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ 53,870 54,370
Vàng nhẫn SJC 99,99 0,5 chỉ 53,870 54,470
Vàng nữ trang 99,99% 53,370 54,070
Vàng nữ trang 99% 52,535 53,535
Vàng nữ trang 75% 38,707 40,707
Vàng nữ trang 58,3% 29,676 31,676
Vàng nữ trang 41,7% 20,699 22,699
Cập nhật: 04:42:34 PM 03/11/2020
Đơn vị tính: ngàn đồng/lượng
Nguồn SJC
Thời tiết


Xuất khẩu online: Cầm dao đằng lưỡi?
Xuất khẩu online: Cầm dao đằng lưỡi?
Thứ ba, ngày 1 tháng 3 năm 2011

Mạng internet và các phương tiện điện tử đã và đang làm biến đổi sâu sắc các phương thức marketing, bán hàng truyền thống, và sẽ là hình ảnh tương lai của xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp Việt Nam cần tránh.

 
Có lẽ ngày nay trong giới doanh nhân không còn mấy ai xa lạ với những cái tên như Alibaba, E-bay, Amazon của thế giới và chodientu.vn, thegioididong.com, sieuthinhanh.com… của Việt Nam. Nhiều doanh nhân Việt Nam đã tìm hiểu và từng bước sử dụng thành công các phương tiện điện tử và internet để phục vụ cho hoạt động marketing và mua bán hàng hóa, dịch vụ của mình. Đặc biệt, trong những năm gần đây xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) đã chuyển dịch từ B2C (mua bán giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng cuối cùng) sang B2B (mua bán giữa các doanh nghiệp).

Đối tượng giao dịch còn hạn chế

Nhiều doanh nghiệp cho rằng TMĐT thông thường được thực hiện giữa các đối tượng doanh nghiệp với nhau (B2B) hoặc với người tiêu dùng (B2C). Tuy nhiên cần lưu ý rằng, còn những hình thức TMĐT đáng chú ý khác như giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B), giữa doanh nghiệp với các chính phủ (B2G), thậm chí giữa người tiêu dùng với nhau…

Theo định nghĩa trên và từ thực tiễn các hoạt động xúc tiến xuất khẩu online hiện nay ở Việt Nam, có thể kết luận rằng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện tham gia TMĐT mới chỉ ở mức độ E-marketing, tức là sau khi gặp gỡ trao đổi thành công với khách hàng nước ngoài các doanh nghiệp lại thực hiện các bước tiếp theo thông qua cách thức giao kết và thực hiện hợp đồng truyền thống là ký kết trên giấy, thực hiện thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng và giao nhận hàng hóa theo các tập quán thương mại quốc tế như incoterms. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự vấp phải những khó khăn, rủi ro thực sự phát sinh từ TMĐT quốc tế và nhiều doanh nghiệp còn chưa lường hết những khó khăn và rủi ro này trong những bước phát triển TMĐT cao hơn khi hội nhập thương mại quốc tế.

Cộng hưởng rủi ro pháp lý

Mua bán quốc tế luôn đi kèm với những rủi ro pháp lý như xung đột về pháp luật áp dụng, hiệu lực của giao kết hợp đồng, tranh chấp về thanh toán quốc tế, về giao nhận hàng hóa… Với tốc độ phát triển rất nhanh khiến các quy định pháp luật, thông lệ quốc tế không theo kịp, TMĐT đã cộng hưởng những rủi ro trên với việc phát sinh thêm rất nhiều yếu tố không ổn định so với thương mại truyền thống.

Đã có nhiều nỗ lực quốc tế trong việc pháp điển hóa TMĐT quốc tế nói riêng và TMĐT nói chung, điển hình như Luật mẫu của UNCITRAL về TMĐT 1996, Luật mẫu của UNCITRAL về chữ ký điện tử 2001, Công ước về HĐĐT của LHQ 2005, các chỉ thị của EU về CKĐT và TMĐT… Tại Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật giao dịch điện tử năm 2005 và luật này đã được chi tiết hóa tại Nghị định 57/2006/NĐ-CP và Thông tư 09/2008/TT-BCT. Tuy nhiên, sự khác biệt về pháp luật các nước và quốc tế về TMĐT vẫn tạo ra những vấn đề lớn ngăn cản sự phát triển của TMĐT.

Thứ nhất, trong việc tiến hành giao kết hợp đồng điện tử (HĐĐT), pháp luật nhiều quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) chỉ thừa nhận hợp đồng thể hiện bằng văn bản viết trong giao dịch thương mại quốc tế, trong khi đó dữ liệu điện tử có thể không được coi là văn bản viết. Việc này khiến khả năng một hợp đồng được ký qua phương thức điện tử rất dễ bị coi là vô hiệu hoặc không thể thi hành khi có tranh chấp được giải quyết bằng tòa án.

Ngoài ra, pháp luật các quốc gia đều yêu cầu hợp đồng phải có chữ ký. Mặc dù luật giao dịch điện tử (GDĐT) của Việt Nam và nhiều quốc gia khác có thừa nhận chữ ký điện tử, nhưng mỗi nước lại quy định hết sức phức tạp về điều kiện để công nhận chữ ký điện tử. Ví dụ như, Luật GDĐT của Việt Nam quy định chữ ký điện tử chỉ có giá trị pháp lý nếu (a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu; (b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi. Tuy nhiên, theo Luật giao dịch điện tử thống nhất (UETA) của Hoa Kỳ, một hợp đồng có thể được xác lập đơn giản là qua email trao đổi qua lại!

Việc đòi hỏi “bản gốc”, “sờ thấy được” cũng là một vấn đề lớn của TMĐT, đặc biệt khi liên quan đến các chứng từ có giá trị sở hữu như vận đơn đường biển. Việc lưu trữ các tài liệu điện tử và giá trị chứng cứ của các tài liệu này cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi, tình huống nan giải so với thương mại truyền thống. Các yếu tố trên khiến khả năng tranh chấp trong các giao dịch điện tử là rất cao và khi xảy ra kiện tụng phán quyết của tòa cũng rất khó đoán trước.

Thứ hai, khi các doanh nghiệp tiến hành giao kết hợp đồng qua mạng, thời điểm và địa điểm xác lập giao kết hợp đồng rất khó xác định rõ ràng, đồng nghĩa với việc rất khó xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu và rủi ro của hàng hóa, và luật quốc gia áp dụng cho giao dịch này. Ví dụ người bán là doanh nghiệp ở TP.HCM, đặt máy chủ tại Mỹ, gửi xác nhận bán hàng qua mạng cho người mua là doanh nghiệp ở Anh, email có máy chủ tại Áo. Sau khi người bán click chuột, email gửi đi từ máy chủ tại Mỹ tới máy chủ người mua tại Áo và được người mua mở xem tại Anh. Thời điểm nào được coi là xác nhận đã được gửi đi? Và địa điểm nào được coi là địa điểm giao kết hợp đồng?!

Thứ ba, vấn đề Điều khoản chung (General Terms & Conditions - ĐKC) vốn đã gây nhiều tranh cãi trong thương mại quốc tế với các “cuộc chiến về form mẫu”, nay lại càng trầm trọng hơn với TMĐT. Hầu hết các doanh nghiệp bán hàng trên internet đều soạn sẵn mẫu Điều khoản chung “nhúng” trong một khung cửa sổ trên website hoặc một đường dẫn liên kết đến một website khác chứa ĐKC mà khách hàng chỉ có thể nhấp chuột chọn đồng ý để tiếp tục. Việc này gây rất nhiều tranh cãi về việc khách hàng không có cơ hội đàm phán, thương thảo, sửa đổi các điều khoản này. Đặc biệt đối với khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng, rất ít khi ĐKC được đọc nhưng chúng lại bao gồm nhiều điều kiện rất bất lợi cho họ. Vì vậy pháp luật các nước phát triển đều có những quy định chặt chẽ về việc bảo vệ người tiêu dùng, chống lại các điều khoản bất lợi trong ĐKC do doanh nghiệp bán hàng áp đặt.

TMĐT cũng đặt ra một loạt vấn đề pháp lý khác liên quan đến sở hữu trí tuệ về bản quyền tác giả, thương hiệu, patent phương thức kinh doanh trên mạng internet, tranh chấp về tên miền, bảo vệ, bảo đảm an toàn thông tin trên mạng, phương thức thanh toán online, luật áp dụng và giải quyết tranh chấp đối với các GDĐT.

Khuyến nghị cho doanh nghiệp

Để giảm thiểu các rủi ro khi thực hiện xuất khẩu online các doanh nghiệp nên lưu ý bốn điều.

Giảm thiểu những bất ngờ pháp lý: Cần tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế có liên quan đến TMĐT, đặc biệt là các quy định về cung cấp thông tin trong TMĐT, quy định về chính sách bảo mật thông tin cho khách hàng, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các giới hạn đối với TMĐT tại các nước mà mình đang và sẽ xuất khẩu nhằm hiểu rõ những rủi ro pháp lý này trước khi thực hiện giao kết các HĐĐT.

Giảm thiểu những xung đột pháp luật: Để tránh việc có nhiều nguồn pháp luật khác nhau có thể cùng được áp dụng với các hệ lụy khác nhau, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa quyền tự do ý chí hợp đồng của các bên trong hợp đồng được tất cả các quốc gia thừa nhận để soạn thảo, thống nhất những HĐĐT có đầy đủ các điều kiện, điều khoản rõ ràng, chi tiết và bao gồm luật áp dụng, cách thức xử lý tranh chấp khi có mâu thuẫn. 

Xử lý lỗi nhập dữ liệu: Đây là lỗi khá phổ biến xảy ra khi các doanh nghiệp nhập liệu báo giá nhầm trên website có chức năng đặt hàng qua internet của mình. Hậu quả lỗi này là rất lớn nếu số lượng truy cập website đặt hàng cao và số liệu báo nhầm thấp hơn giá trị thực của hàng bán. Trong một số trường hợp khi có tranh chấp, tòa sẽ chấp nhận giao dịch vô hiệu do người mua đặt hàng trong điều kiện nhận thức có sai sót nhầm lẫn. Để tránh lỗi này doanh nghiệp nên tạo lập hệ thống kiểm tra thường xuyên các báo giá trên website, và nếu phát hiện ra lỗi cần thông báo ngay lập tức cho tất cả các khách hàng đã đặt hàng để rút bỏ phần chứng từ điện tử có lỗi (điều này được cho phép theo Nghị định 57/2006 về TMĐT).

Chia sẻ rủi ro: Với việc phân tích những rủi ro rất lớn của TMĐT như trên, các doanh nghiệp cần xác định một mức độ rủi ro mình có thể chấp nhận được, căn cứ vào đó chỉ thực hiện TMĐT đối với các hợp đồng có giá trị nhỏ đến vừa phải (ví dụ dưới 10.000 USD). Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế, đó là tận dụng lợi thế tiết kiệm chi phí giao dịch của TMĐT để có thể thực hiện số lượng các giao dịch lớn, nhưng giá trị mỗi giao dịch nhỏ. Trong điều kiện hạ tầng an ninh và hành lang pháp lý còn hạn chế, việc giao kết và thực hiện hợp đồng với những giao dịch có giá trị lớn nói chung nên thực hiện theo phương pháp truyền thống. Ngoài ra, với các tài liệu giao dịch quan trọng doanh nghiệp nên chủ động lưu trữ dưới dạng giấy và điện tử để sử dụng khi cần thiết.

Mặc dù xuất khẩu online nói riêng và TMĐT nói chung đã, đang và sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ về khả năng marketing sâu rộng trên quy mô quốc tế, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả ngân sách cho chi phí giao dịch, việc thực hiện các giao dịch qua các phương thức điện tử cũng hàm chứa nhiều rủi ro pháp lý đa dạng và phức tạp. Vì vậy các doanh nghiệp cần nhận thức rõ và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những rủi ro này để đảm bảo sự phát triển bền vững khi tiếp tục nâng tầm lên những bước phát triển cao hơn trong TMĐT hội nhập quốc tế.

Nguồn tin: doanhnhan.net


Các tin khác

Tủ hút khí độc Tủ cấy vi sinh
Bản quyền thuộc về Trung Tâm Công Nghệ Ứng Dụng Huy Hoàng
Địa chỉ : 101 Đường T.A 21, Phường Thới An, Quận 12, Tp.HCM
Điện thoại : 37174231 - 090.678.9000 (Mr.Huy) - 0913 717855   -  Fax : 37174621
Email : huyhoang@huyhoangcongnghe.com  -  Website : huyhoangcongnghe.com
Thiết kế bởi:  Bestweb.vn